- Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Phụng Vụ Lời Chúa Đêm Thánh Vọng Phục Sinh đã giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thực hiện Lịch Sử Cứu Độ đó trong Chúa Giêsu là để tỏ ra Lòng Chúa Thương Xót cho con người.
- Chúng ta lưu ý mấy điểm:
- Hội Thánh giới thiệu gương sáng của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (BĐ I), cùng với lời nhắn nhủ của thánh Gioan tông đồ về việc tôi luyện đức tin (BĐ II).
Điểm đề cập trong hai BĐ này, Hội Thánh muốn nói lên ý nghĩa của những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, là để củng cố đức tin. Đức tin không của riêng ai. Đức tin cần được tung gieo khắp nơi, để mọi người “tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin vào danh Người mà người ta được sống” (x. 1 Ga 5,13). Chúa Giêsu là “Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót”.
Tin vào Danh Chúa Giêsu để được sống, đồng nghĩa là chúng ta được hưởng Lòng Chúa Thương Xót. Vì Chúa Giêsu là “Đường” dẫn đến Chúa Cha, “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (x. Ga 14,6). Cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, là “niềm hy vọng vinh quang” của chúng ta” (x. Cl 1,27). Vì như Người đã hứa trước “khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,33).
Và lúc Người “chịu đưa lên cao khỏi đất” cũng chính là “Giờ” của Thiên Chúa tuôn trào Lòng Chúa Thương Xót cho nhân loại. Chúa Giêsu yêu cầu chị Faustina : “Mỗi ngày, vào lúc 3 giờ chiều, hãy khẩn cầu Lòng Thương Xót của Cha cho các tội nhân cách riêng. Và nếu có thể trong giây lát, con hãy trầm mình vào cuộc khổ nạn của Cha, đặc biệt lúc Cha bị bỏ rơi trong cơn hấp hối. Đây là giờ cao điểm của lòng thương xót vĩ đại tuôn đổ xuống trên thế giới… Trong giờ này, Cha sẽ chẳng từ chối bất cứ điều gì với các linh hồn kêu van Ca nhân danh cuộc tử nạn của Ca… Đây là giờ ân sủng của toàn thế giới. Nếu không thể vào nhà nguyện, thì dù ở đâu, con cũng cứ trầm mình một phút ngắn ngủi cầu nguyện nhớ đến Cha là đủ. Cha yêu cầu mọi tạo vật tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha” (NK, 1320).
- Sau “bữa Tiệc Ly”, những ngày giờ sau thời gian này, một sự hụt hẫng đầy lo sợ đối với các môn đệ. Vì, Thầy Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, chịu lính tráng hành hạ thân xác, chịu chết treo trên thập tự, được các môn đệ an táng trong huyệt đá của ông Giuse. Tảng đá lớn lấp kín huyệt mồ, cũng chôn vùi luôn bao ước mơ nở rộ tưởng chừng như ngày vinh quang Vương Triều Đavít tái lập, trong ngày Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Các môn đệ ẩn náu trong phòng kín, hoặc trở về quê quán với nghề nghiệp cũ.
Alleluia. Chúa đã sống lai.
Chúa Giêsu sống lại. Đấng Phục Sinh đang cho các môn đệ được “xem tay và cạnh sườn” của Chúa. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Thầy Giêsu. Niềm vui mừng càng nhân lên khi Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, ban phúc lành bình an và ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Nhưng quan trọng nhất, Người trao cho các ông một sứ mệnh.
Sứ mệnh “tha tội cho ai thì người ấy được tha, cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Chúa Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu độ bằng cái chết trên thập giá và sống lại từ kẻ chết, để mở đầu thời đại “tha tội” cho nhân loại và làm hòa họ với Thiên Chúa. Người sắp về với Chúa Cha, nên giờ đây Người trao lại sứ mệnh tha thứ và giải hòa ấy cho các môn đệ tiếp tục. Do đó muốn được tha tội và được sống đời đời, nhân loại phải chấp nhận điều kiện “tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
Lòng Chúa Thương Xót, giờ đây như một cuộc hiển dung riêng cho từng người chúng ta, nếu chúng ta nhận mình là người có tội. Vì ơn tha thứ là tha cho kẻ nhận mình là người có tội. Chúa Giêsu đã trở nên “Trạng Sư” bàu chữa kẻ có tội (x. 1 Ga 2, 1). Ơn tha thứ hiện diện trong Hội Thánh của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” Mt 28,19-20).
Chúng ta soi gương ĐTC Phanxico. Báo chí tiết lộ ‘bí mật’ trong Mật Tuyển Bầu Giáo Hoàng năm 2013 : Hồng y Bergoglio đã chấp nhận sự bầu chọn ngài làm Giáo Hoàng với những lời nầy: “Tôi là một người tội lỗi, nhưng tôi tín thác vào lòng thương xót và kiên nhẫn vô bờ của Chúa Giêsu Kitô”. Nhiều lần khi đã là ĐTC Phanxico rồi, ngài cũng nói như thế với những ai hỏi ‘ngài là ai’. Trong một bài giảng, ĐTC xác tín “vua Đavit là một vị thánh, và từng là tội nhân. Một tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Còn vua Salomon bị Chúa từ chối, vì con tim ông yếu nhược và không thật tâm. Có tình trạng lật lọng trong trái tim ông” (x. ĐTC Phanxico, vi.radiovaticana.va, ngày 08.02. 2018)
- Câu chuyện Tông Đồ Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ là thêm một lời kêu gọi các môn đệ hãy tin vào Chúa Phục Sinh. Qua sự kiện ông Tôma không có mặt lần Chúa hiện ra đầu tiên, để cùng các bạn “xem tay và cạnh sườn” Chúa Giêsu. Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên.
Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên, vì chẳng những Chúa Giêsu yêu chiều ông Tôma cho “xem tay và cạnh sườn” như các bạn, giúp ông Tôma mạnh mẽ tuyên xưng không chỉ nhận Chúa Giêsu là Chúa và Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là ‘Chúa của con’ và ‘Thiên Chúa của con’. Mà nhất là, Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên, khi Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết thêm một mối phúc nữa ngoài Tám Mối Phúc. Đó là Mối Phúc Thứ 9 : “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Khi chúng ta không thấy, hoặc không hiểu mà tin, là chúng ta khiêm nhượng nhận biết và chấp nhận uy quyền của Chúa Giêsu, và từ đó xây dựng mối tương quan với Người.
Mối Phúc Thứ 9 thật cần thiết cho đời sống chúng ta. Tất cả những gì chúng ta không thể thấy bằng mắt, hiểu bằng trí óc, thì chúng ta có thể thấy bằng con mắt đức tin và hiểu bằng tất cả trái tim. “Chúa đã sống lại thật”. Đó là đức tin căn bản mở tung Lòng Chúa Thương Xót, để mỗi chúng ta bình an hạnh phúc và có khả năng đi tới ‘vùng ngoại biên’ của các cuộc đời đang chờ Ánh Sáng Phục Sinh. Alleluia.
III. Vì vậy, theo như cuốn nhật ký của thánh nữ Maria Faustina, muốn được đón nhận Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cần thực hiện 3 điều sau đây : 1- Thỉnh cầu Lòng Chúa Thương Xót; 2- Thực hành Lòng Chúa Thương Xót; 3- Tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.
- Thỉnh cầu Lòng Chúa Thương Xót:
Chúa nói với chị Faustina: “Các linh hồn nào kêu cầu đến Lòng Thương Xót của Cha, đều làm cho Cha vui thỏa. Cha sẽ ban cho các linh hồn đó còn nhiều hơn cả điều họ xin. Thậm chí Cha cũng không trừng phạt các tội nhân gian ác nhất, nếu kẻ đó kêu cầu đến lòng trắc ẩn của Cha” (NK, 1146). “Con hãy van xin Lòng Thương Xót cho toàn thế giới” (NK, 570). “Không một linh hồn nào kêu cầu Lòng Thương Xót của Cha mà phải thất vọng bao giờ” (NK,1541).
- Thực Hành Lòng Chúa Thương Xót:
Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cụ thể cho chị Faustina: “Cha xin con hãy làm những việc Thương Xót, và chúng phải phát xuất từ tấm lòng yêu mến Cha. Con có bổn phận thi hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, chữa mình. Ngay cả đức tin mạnh nhất cũng vô dụng nếu không có việc làm kèm theo (NK,742). “Những ai không thực hành việc gì cả – thì kẻ ấy chẳng đáng được Cha thương xót vào ngày phán xét” (NK,1317).
Việc đầu tiên, đó là tha thứ cho nhau, vì “đong đấu nào thì sẽ nhận đấu ấy…” (x. Mt 6,12-14), nhất là theo mẫu gương : “Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Khi biết tha thứ cho tha nhân, chúng ta mới tôn trọng, mới đồng cảm và nhận ra được những nhu cầu của tha nhân để thương xót họ bằng việc làm thiết thực đầy tính nhân văn. Và để tha thứ, việc đâu tiên là biết xét ý lành cho nhau (x. Di Ngôn Cha M. Biển Đức Thuận,123: “Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng, mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích. Chúng ta xét ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu nên cũng ngờ người ta xấu như mình”.
- Tín Thác Vào Lòng Chúa Thương Xót :
Chúa Giêsu nói với chị Faustina : “Cha chính là tình yêu và lòng thương xót. Khi một linh hồn tiến đến gần Cha với lòng tín thác, Cha đổ tràn đầy ân sủng trên người ấy, đến mức độ người ấy không thể chỉ giữ riêng cho mình, mà phải toả ra cho các linh hồn khác được nhờ” (NK, 1074).
Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Xin Đấng Phục Sinh ban cho mọi người bình an hạnh phúc, để luôn nhận thấy Lòng Chúa Thương Xót trong mọi biến cố cuộc đời. Aleluia.
Cha Thái,
]]>